https://vnexpress.net/giang-duong-chua-nang-2-000-tan-o-sai-gon-duoc-than-den-nang-3-m-3674194.html
Hạng mục khổng lồ trong chùa Huệ Nghiêm (quận Bình Tân) được nhóm ông Nguyễn Văn Cư nâng lên 3 m để không bị ngập úng.
Dưới nắng gắt ngày 22/11, khoảng 20 người đàn ông miệt mài bên những con đội, ben thủy lực, trụ móng… trong Đại giảng đường chùa Huệ Nghiêm - đường Đỗ Đăng Tế, quận Bình Tân, TP HCM.
Họ tỉ mỉ như thế đã nhiều ngày, để nâng hạng mục nặng 2.000 tấn, rộng gần 530 m2 này lên 3 m, giúp nhà chùa chống ngập. Hiện công trình đã nâng cao được một nửa, các tốp thợ đang đổ bêtông làm cột cho vững để làm tiếp phần còn lại.
Giữa công trình ngổn ngang gạch vữa, dây nhợ, ông Nguyễn Văn Cư – người được mệnh danh "thần đèn" – đi lại thoăn thoắt chỉ huy thi công. Quẹt vầng trán mướt mồ hôi, ông nói biệt danh này do nhiều người ưu ái đặt cho, sau những lần ông và cộng sự "hô biến" các công trình khổng lồ lên cao hoặc di dời đến nơi khác theo yêu cầu.
Đại giảng đường chùa Huệ Nghiêm đang được nâng lên 1,5 m. Ảnh: Sơn Hòa. |
Về nhiệm vụ lần này, ông Cư cho biết được các nhà sư chùa Huệ Nghiêm nhờ nâng cổng chùa 70 tấn lên 1,2 m hồi giữa năm 2015. Mấy tháng trước ông tiếp tục nâng tháp Phật Quan âm trong khuôn viên chùa lên 1,5 m.
"Sau nhiều lần thành công, nhà chùa nhờ tôi tính phương án nâng tiếp khu Đại giảng đường để chống ngập. Yêu cầu ban đầu họ đưa ra là nâng lên 2 m, sau đó đổi thành 3 m nhưng sợ tôi không làm được", ông Cư kể.
Nhóm của ông tính, nếu nâng 3 m phải qua ba giai đoạn, thời gian thi công khoảng 60 ngày. "Như vậy là quá lâu nên tôi quyết định rút thời gian còn 40 ngày với hai giai đoạn. Đợt đầu sẽ nâng Đại giảng đường lên 1,5 m sau đó gia cố cột, đà cho vững vàng để tiếp tục nâng đợt hai", "thần đèn" chia sẻ.
Họ mất hơn hai tháng nữa nghiên cứu các phương án, tính toán cẩn thận. Bởi trước đây nâng hay di dời nhà phố chỉ khoảng 20-30 cột, nhiều nhất là ngôi chùa ở Long An có 40 cái, trong khi Đại giảng đường này cần đến 60 cột trụ.
"Nhiều thế nên chúng tôi phải tính kỹ, để nâng đều một lần chứ không thể nâng từng góc - cách làm tiềm ẩn nguy cơ nứt gãy cột, dẫn đến hư hỏng công trình", ông Cư nói.
Trạm vận hành ben thủy lực dùng để kích nâng. Ảnh: Sơn Hòa |
Ngoài ra, nhóm ông Cư cũng phải đầu tư thêm máy móc, vận hành cùng lúc ba trạm với tổng cộng gần 100 ben thủy lực cho công trình "khủng" này (gấp 10 lần đối với nhà phố, biệt thự). 20 nhân sự chia nhau làm việc tốc lực, mỗi người chịu trách nhiệm xử lý 3-4 con đội để đảm bảo an toàn.
Khi kích ben thủy lực để nâng công trình, nhóm thợ phải theo dõi chặt các thông số để kịp thời điều chỉnh. Những con đội, tảng bêtông hay thanh gỗ cũng được chuẩn bị sẵn để thêm vào mỗi khi thay đổi.
"Cái khó nữa là ở giai đoạn đầu, khi kích nền dưới lòng đất rất khó kiểm soát. Chỉ khi đẩy được công trình lên khoảng một mét, có tầm nhìn thì mọi việc thuận lợi hơn. Nhưng càng lên cao thì càng phải kiểm tra kỹ, tôi đứng chỉ huy mọi lúc mọi nơi, theo dõi sát các khâu để kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn", ông Cư nói.
Đại diện nhà chùa cho biết, chùa Huệ Nghiêm xây năm 1962, trải qua nhiều lần trùng tu. Quanh chùa ban đầu là đất ruộng nhưng quá trình đô thị hóa nhanh biến nơi này thành khu dân cư lớn. Do nhà dân đổ đất cao làm nền nên gần 20 năm qua mỗi lần mưa là chùa bị ngập, phải dùng máy bơm nước ra ngoài. Gặp nhiều bất tiện nên nhà chùa phải nâng các hạng mục để chống ngập.
"Sau khi hoàn thành, phần bên dưới đại giảng đường sẽ làm nhà khách cho phật tử đến tu có chỗ nghỉ ngơi”, đại diện nhà chùa nói.
Thần đèn Nguyễn Văn Cư tất bật chỉ huy công nhân khi kích nâng nền. Ảnh: Sơn Hòa |
Thần đèn Nguyễn Văn Cư vào nghề nâng, di dời nhà từ năm 2005. Ông là thế hệ đi sau các đàn anh đã thành danh như Nguyễn Cẩm Lũy hay Đỗ Quốc Khánh.
Sơn Hòa