“Dân chơi” tay ngang
So với những bậc đàn anh đã thành danh như “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy hay Đỗ Quốc Khánh, Nguyễn Văn Cư là một “dân chơi” tay ngang thứ thiệt. Đã có một thời gian ông làm việc dưới trướng cụ B.T (hiện đã mất), cũng là một trong những nhân vật nổi danh ở TP.HCM trong lĩnh vực xây dựng, di dời, chống nghiêng, chống lún, nhưng lúc đó ông chỉ phụ trách về nhân sự chứ không phải làm về chuyên môn. Trong thời gian này, ông Cư cũng có nhiều lần đi thị sát tại công trường, dần dần quen với cách thức và kỹ thuật di dời, chống lún, chống nghiêng của chủ. Thế nhưng theo quan sát của ông, cách làm này chưa thật sự hoàn hảo và có quá nhiều sai sót nhưng không có cơ hội để góp ý. Từ những nhận xét ban đầu, ông bắt đầu hình dung ra những kỹ thuật để áp dụng vào công trình một cách khoa học hơn.
|
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư |
Năm 2004, ông Nguyễn Văn Cư chính thức “ra riêng” để áp dụng những kỹ thuật tự phát minh của mình vào việc chống nghiêng, chống ngập. Những ngày đầu khởi nghiệp thật gian nan. Nhớ lại, ông Nguyễn Văn Cư kể: “Năm 2005, khu vực Q.6, TP.HCM là những điểm nóng về ngập lún. Rất nhiều căn nhà xây dựng kiên cố, sau đó bị nghiêng, bị lún, khổ nỗi là người ta không biết mình, thành ra phải tìm mọi cách để tạo dựng lòng tin”. Người tin ông Cư đầu tiên là một chủ hộ ở đường số 2, P.11, Q.6. Căn nhà xây lên 3 tấm nhưng được một thời gian thì bị nghiêng trầm trọng. Ông Cư đến hiện trường, giật mình khi thấy khoảng cách nghiêng giữa 2 căn nhà lên đến 40 cm. Chủ nhà yêu cầu ông chỉnh ngay, và nâng lên 20 cm nữa. Ông Cư nhận lời. Vài tháng sau hợp đồng đã hoàn tất. Căn nhà nhìn vào nghiêm chỉnh như mới. Chủ nhà vui mừng, bắt đầu giới thiệu nhiều công trình khác. Thấy công việc nhiều áp lực, ông bỏ tiền đầu tư hệ thống con đội bằng thủy lực trị giá hàng trăm triệu. So với những đồng nghiệp, “vũ khí” của ông Cư hiện đại hơn nhiều, bởi hệ thống đội được xử lý bằng các trạm điều khiển, một người có thể quản lý tiến độ nâng của nhiều con đội cùng một lúc.
Thời điểm đó, ở Q.6 có 3 căn nhà liên kế trên đường số 11, P.11 được xem là nghiêng nhất ở khu vực Bình Phú, báo chí lúc đó cũng đã phải lên tiếng vì độ nghiêng kinh khủng của 3 căn nhà này. Chủ nhà vốn là người trong ngành xây dựng mà lại xây nhà bị nghiêng nên rất ấm ức. Ông Cư đến gặp trực tiếp chủ nhà, đề nghị cho ông xử lý. Hợp đồng được ký kết. Bắt tay vào việc, ông Cư mới đâm lo vì căn nhà nghiêng quá cỡ, căn này đè hẳn lên căn kia. Ông Cư cho công nhân đào phá nền nhà, đục móng ép cọc, đổ bê tông gia cố móng. Đến lúc cắt cột để chỉnh ngay và nâng nhà lên thì phát hiện 3 căn này đã dính chặt với nhau. Thường thì thợ chỉ cần đục vài lần là các căn nhà tự động tách ra, nhưng 3 căn này dính nhau như sam. Thức trắng vài đêm suy nghĩ, ông chỉ huy công nhân vừa tách vừa nâng, cuối cùng 3 căn nhà cũng chịu rời ra, ông cắt móng, ép cọc, đổ bê tông, cân chỉnh 3 căn nhà đứng thẳng. Một lần khác, căn nhà mà ông Cư nhận “điều trị” chỉ mới xây được vài năm nhưng do thi công ẩu, thiết kế không phù hợp nên toàn bộ hệ thống đà ngang, đà dọc đều nứt gãy, 10 cột nhà tầng trệt bị nứt, khi đào xuống thì hệ thống cột dầm bị xoay bung thép. Công trình đó ông phải mất 3 tháng để đào xuống ép lại cọc, gia cường lại hệ thống đà ngang, đổ lại cột, tân trang căn nhà như mới. Sau những công trình này, uy tín của ông Cư bắt đầu lan xa. Có khi một năm ông đảm nhận cùng lúc gần chục trường hợp nâng nhà, chống nghiêng, chống lún...